Tính từ là gì? Cách dùng và ví dụ về tính từ trong tiếng Việt

Tính từ, động từ hay danh từ là những loại từ quan trọng cấu thành nên tiếng Việt. Vậy tính từ là gì? Chức năng của tính từ bao gồm những gì? Tất cả sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Tính từ là gì? Cách dùng và ví dụ về tính từ trong tiếng Việt

1. Khái niệm tính từ là gì?

Tính từ là từ loại có khả năng biểu đạt cao nhất. Bởi vì, mỗi tính từ đều có khả năng gợi hình ảnh, gợi cảm xúc ở nhiều mức độ khác nhau. Sắc thái biểu đạt của từ sẽ khác đi rất nhiều chỉ cần một thay đổi nhỏ.

Tính từ là từ miêu tả các đặc điểm hoặc tính chất của sự vật, hiện tượng, trạng thái và con người.

2. Cụm tính từ là gì?

Cụm tính từ trong đó có tính từ là trung tâm kết hợp với các phần phụ trước và phụ sau để trở thành một cụm từ.

Chức năng chính của cụm tính từ cũng giống như tính từ, dùng làm vị ngữ. Tuy nhiên, cũng có thể dùng chúng để làm chủ ngữ hoặc bổ ngữ trong câu.

Cấu tạo của một cụm tính từ bao gồm:

Cụm tính từ = Phụ trước + Tính từ + Phụ sau

Trong đó:

Phụ trước là các từ dùng để chỉ quan hệ thời gian: đã, sẽ, đang, từng,… Các từ chỉ sự tiếp diễn tương tự như vẫn, còn, cũng,… hay các từ chỉ mức độ của đặc điểm, tính chất như rất, lắm,… và các từ khẳng định hay phủ định như không, chưa, chẳng…

Phụ sau là các từ dùng để biểu đạt vị trí, so sánh, mức độ, phạm vi hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất.

Trong thực tế, một số trường hợp cụm tính từ có thể sẽ không có cấu tạo đầy đủ, chúng có thể thiếu phụ trước hoặc thiếu phụ sau.

3. Phân biệt tính từ chỉ đặc điểm, tính chất và trạng thái trong tiếng Việt

3.1. Tính từ chỉ đặc điểm

Đặc điểm là những nét riêng biệt của mỗi sự vật nào đó như: con người, con vật, cây cối,… Đặc điểm của sự vật chủ yếu là đặc điểm bên ngoài (ngoại hình) mà chúng ta có thể dễ dàng nhận biết được trực tiếp qua mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi… Đó là những nét riêng và màu sắc, hình dạng, âm thanh,… của sự vật nào đó.

Đặc điểm của sự vật cũng có thể là đặc điểm bên trong mà phải qua quan sát, suy luận, khái quát… ta mới có thể nhận ra được. Đó là các đặc điểm về tính tình, tâm lý, tính cách của một người nào đó hay có thể là độ bền, giá trị của đồ vật,…

Ví dụ:

  • Tính từ chỉ đặc điểm bên ngoài: Cao, thấp, rộng, dài, xanh, đỏ,…
  • Tính từ chỉ đặc điểm bên trong: tốt, ngoan, thật thà, chăm chỉ,…

3.2. Tính từ chỉ tính chất

Tính chất thực tế cũng là chỉ đặc điểm riêng của các sự vật, hiện tượng bao gồm cả những hiện tượng trong cuộc sống. Nhưng nó nghiên về mô tả các đặc điểm bên trong mà bình thường chúng ta không thể quan sát trực tiếp được mà phải suy luận, phân tích, tổng hợp thì mới có thể nhận biết. Do đó tính từ chỉ tính chất là những từ biểu thị những đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.

Ví dụ: Tốt, xấu, ngoan, hư, sâu sắc, nông cạn, suôn sẻ, hiệu quả, thiết thực…

3.3. Tính từ chỉ trạng thái

Tính từ chỉ là trạng thái của sự vật hoặc con người, tồn tại trong một thời điểm nào đó. Tính từ chỉ trạng thái là từ thể hiện trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng trong một thực tế khách quan.

Ví dụ: 

  • Trời hôm nay đứng gió
  • Người bệnh vẫn đang bất tỉnh
  • Cảnh vật yên tĩnh đến lạ

4. Cách dùng tính từ trong tiếng Việt

Tính từ có thể kết hợp được với các danh từ, động từ để bổ sung thêm ý nghĩa cho cả danh từ và động từ về đặc điểm, tính chất, cũng như mức độ.

Ví dụ: 

“Bơi điêu luyện” và “Hoa quả tươi ngon bày bán tại cửa hàng”.

Trong đó: 

“Bơi” là động từ, “điêu luyện” là tính từ bổ sung ý nghĩa cho hành động bơi.

“Hoa quả” là danh từ, “tươi ngon” là tính từ – bổ sung ý nghĩa cho danh từ hoa quả.

Khác với động từ, tính từ không thể nào kết hợp được với các phó từ mệnh lệnh (hãy, đừng, chớ,…) mà chỉ có thể kết hợp được với các phó từ còn lại (đã, sẽ, đang, không, chưa, chẳng, vẫn, cứ…).

Ví dụ: đã từng xấu xí, không được tỉnh táo, vẫn lề mề như xưa…

Cách dùng tính từ trong tiếng Việt

5. Các chức năng chính của tính từ trong tiếng Việt

Trong câu, tính từ và cụm tính từ sẽ có chức năng chính là làm vị ngữ trong câu để bổ sung thêm ý nghĩa cho danh từ.

Ví dụ: 

  • Hôm nay, trời/trong xanh

Trời là chủ ngữ (Danh từ), trong xanh là vị ngữ (Tính từ)

  • Cô ấy/rất tốt bụng

Cô ấy là chủ ngữ (Cụm danh từ), rất tốt bụng là vị ngữ (Cụm tính từ)

Ngoài chức năng chính là làm vị ngữ, tính từ và cụm tính từ cũng có thể làm chủ ngữ hay bổ ngữ trong câu.

Ví dụ:

  • Tính từ làm chủ ngữ trong câu: Mộc mạc / là giản dị vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ tự nhiên

Tính từ “Mộc mạc” là chủ ngữ, “giản dị vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ tự nhiên” – vị ngữ là cụm tính từ.

  • Tính từ làm bổ ngữ trong câu: Cô Hoa / gửi cho cháu một bức thư rất dài

“Cô Hoa” là chủ ngữ, “rất dài” là bổ ngữ cho vị ngữ “gửi cho cháu một bức thư”

6. Phân loại các tính từ trong tiếng Việt

6.1. Tính từ tự thân

Tính từ tự thân là những tính từ có chức năng biểu thị phẩm chất, hình dáng, màu sắc, kích thước, hương vị, mức độ,… của một sự vật, hiện tượng nào đó.

Ví dụ: đỏ, đen, xanh, lùn, cao, thấp…

Cũng có thể phân chia tính từ thành những loại nhỏ như sau:

  • Tính từ chỉ màu sắc: vàng, đỏ, xanh, tím…
  • Tính từ chỉ phẩm chất: dũng cảm, hèn nhát, sai, đúng…
  • Tính từ chỉ kích thước: cao, thấp, rộng, khổng lồ, hẹp, nhỏ, tí hon…
  • Tính từ chỉ hình dáng: tròn, vuông, tam giác, méo, dẹp, cong, quanh co…
  • Tính từ chỉ âm thanh: ầm ĩ, ồn ào, xôn xao, văng vẳng, trầm bổng…
  • Tính từ chỉ mức độ, cách thức: xa, gần, nhanh, chậm…
  • Tính từ chỉ lượng: nhiều, nhẹ, ít nặng, vắng vẻ, đông đúc…

6.2. Tính từ không tự thân 

Tính từ phân thân là những từ bản chất không phải tính từ, thuộc các loại từ khác như danh từ, động từ chuyển loại và được sử dụng như một tính từ.

Tính từ không tự thân được tạo ra bằng cách chuyển loại các từ thuộc các nhóm loại từ khác nên ý nghĩa của tính từ này chỉ được xác định khi đặt chúng trong mối quan hệ nhất định với những từ khác trong cụm từ hoặc trong câu. Nếu tách chúng ra khỏi mối quan hệ đó thì chúng không được coi là tính từ nữa hoặc nó sẽ có ý nghĩa khác.

Khi danh từ hay động từ được sử dụng như một tính từ thì ý nghĩa của chúng sẽ mang một ý nghĩa khái quát hơn so với nghĩa thường được sử dụng của chúng.

Ví dụ:

Tính từ do danh từ chuyển loại như: sắt đá (trong: trái tim sắt đá), công nhân (trong: vải xanh công nhân), nhà quê (trong: cách sống nhà quê), côn đồ (trong: hành động côn đồ)…

Tính từ không tự thân

7. Hướng dẫn một số bài tập cơ bản về tính từ và cụm tính từ

Bài tập 1: Đặt 3 câu có chứa tính từ và cụm tính từ

  • Mai đi đôi giày trông rất đẹp.
  • Ánh nắng chói chang chiếu qua khung cửa sổ.
  • Bầu trời trong xanh vời vợi.

Bài tập 2: Hãy đặt câu có sử dụng các tính từ để chỉ

  • Tình hình: Lan là một bé gái hiền lành, ngoan ngoãn
  • Âm thanh: Giờ ra chơi tiếng học sinh nói cười ồn ào khắp sân trường
  • Tính cách: Ông ấy trông rất hiền hành
  • Sắc thái: Chị ấy nở nụ cười tươi tắn

Trên đây là các thông tin, kiến thức về tính từ và cụm tính từ mà bạn cần ghi nhớ. Hinode hy vọng rằng bạn sẽ sử dụng chúng đúng cách và phù hợp với từng hoàn cảnh.

>>>Xem thêm: Telegram là gì? Hướng dẫn chi tiết cách cài đặt, sử dụng Telegram

Xem thêm:   Làm gì để có tiền? Những công việc giúp bạn ở nhà vẫn kiếm ra tiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

;